ĐẠI LÝ NGÂN HÀNG - Thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, nhiều vấn đề trong dự thảo được đánh giá chưa đáp ứng với xu hướng thực tiễn, không phù hợp với một số quy định pháp luật hiện có, cụ thể là mô hình đại lý thanh toán ngân hàng (đại lý ngân hàng).
Bài liên quan
Quy định đại lý thanh toán chưa được như kỳ vọng.
Kể từ khi Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia được ban hành ngày 22/01/2020 đã đặt ra nhiều kỳ vọng về việc áp dụng một mô hình thanh toán mới là đại lý ngân hàng. Theo khảo sát nhanh, mô hình đại lý ngân hàng đã có khoảng 80% các quốc gia trên thế giới áp dụng. Trong 10 năm trở lại đây, các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Philippin… đã thúc đẩy phát triển vô hình này rộng lớn hơn và đạt nhiều kết quả tích cực. Việc xây dựng các đại lý ngân hàng không chỉ giúp các ngân hàng thương mại giảm thiểu chi phí đầu tư hệ thống, tăng vốn điều lệ mà còn giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng hạn chế có cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính của ngân hàng. Tuy nhiên, dự thảo nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt mới đây của Ngân hàng Nhà nước lại chưa đáp ứng được nhu cầu này.
Cụ thể, theo kinh nghiệm của các quốc gia như Kenya, Malaysia, Brazil về phát triển mô hình đại lý ngân hàng, các cá nhân và chủ hộ kinh doanh nhỏ, lẻ như quầy thuốc tây, tiệm tạp hóa, cửa hàng nhỏ… là một thành phần thực hiện các dịch vụ của đại lý ngân hàng. Tuy nhiên, tại Khoản 2 Điều 21 của Dự thảo đã không cho phép các đối tượng này được trở thành đại lý thanh toán, mà chỉ cho phép các chủ thể như ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mới được trở thành Bên đại lý thanh toán.
Như vậy, một tập chủ thể mục tiêu rộng lớn, đông đảo và cần xem là chủ thể thực hiện chính của mô hình đại lý ngân hàng lại không được pháp luật cho phép tham gia vào mô hình này. Điều này thật sự là một bất cập, không phù hợp với các kinh nghiệm quốc tế về mô hình đại lý ngân hàng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét về quy định này để hoàn thiện Dự thảo hơn, phù hợp thực tế hơn trong lần công bố sắp tới.
>>> Danh mục sách về ngân hàng và tài chính dành cho Chiến lược đầu tư ĐẠI LÝ NGÂN HÀNG tại Việt Nam
Nhiều mâu thuẫn pháp lý với các luật khác
Theo nội dung về đại lý thanh toán (đại lý ngân hàng), thì những chủ thể này có quyền tham gia vào hoạt động thương mại đặc thù liên quan đến ngân hàng là một trong các tổ chức tín dụng. Do đó, về mặt pháp lý, chủ thể làm đại lý ngân hàng phải chịu sự điều chỉnh của luật Thương mại, vì luật Các tổ chức tín dụng chỉ áp dụng cho các ngân hàng được thực hiện công việc của đại lý. Theo đó, luật Thương mại cho phép các chủ thể được tự thỏa thuận về giá, phí dịch vụ đối với dịch vụ do bên đại lý cung ứng cho khách hàng. Tuy nhiên, Dự thảo quy định đại lý ngân hàng phải áp dụng biểu phí giống với biểu phí dịch vụ của ngân hàng, điều này không đúng quy định của luật Thương mại.
Ngoài ra, nếu áp đặt các điều kiện như cá nhân không phải chủ thể của đại lý ngân hàng, số lượng đại lý ngân hàng không được vượt quá số chi nhánh của ngân hàng hay giới hạn mức phí giao dịch của đại lý ngân hàng… có thể được xem là những điều kiện kinh doanh của mô hình đại lý ngân hàng. Do đó, cần phải có sự điều chỉnh về danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại luật Đầu tư. Tuy nhiên, việc áp dụng số lượng đại lý ngân hàng không vượt quá số lượng chi nhánh đã tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh cho các ngân hàng nhỏ, có ít chi nhánh nếu áp dụng quy định của luật Cạnh tranh. Trong khi chính các ngân hàng nhỏ, ít chi nhánh sẽ là đối tượng tích cực phát triển mô hình đại lý ngân hàng này nhất và tạo ra nhiều lợi ích cho người sử dụng.
Do đó, ban soạn thảo cần xem xét lại các nội dung quy định trong Nghị định khi ban hành trong tương lai. Những quy định liên quan đến đại lý ngân hàng cần theo hướng mở rộng nhất có thể để những đối tượng là cá nhân, tiệm tạp hóa, quầy thuốc tây, cửa hàng nhỏ… được tham gia vào mô hình này. Đồng thời, cho phép quyền tự do mở rộng mạng lưới đại lý ngân hàng của các tổ chức tín dụng nếu đáp ứng được các quy định của pháp luật. Có như thế, mô hình đại lý mới thực sự phát huy hiệu quả và nhanh chóng thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Khánh Vy
0 Nhận xét