ĐẠI LÝ NGÂN HÀNG - Xuất phát từ nhu cầu mở rộng hệ thống thanh toán của các ngân hàng, cũng như thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khắp mọi vùng miền được tiếp cận các dịch vụ tài chính, mô hình đại lý ngân hàng đã được Chính phủ đưa vào Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hiện tại, các quy định pháp luật đang được nghiên cứu và hoàn thiện, trong đó, vấn đề quan trọng nhất là điều kiện làm đại lý ngân hàng.
Bài liên quan
Với nền tảng công nghệ đang phát triển vượt bậc từng ngày, từng giờ sẽ giúp mọi người, mọi chủ thể có thể cung cấp các dịch vụ ngân hàng, dịch vụ tài chính mà không cần bắt buộc phải là ngân hàng hoặc giao dịch viên, nhân viên của ngân hàng. Mọi người, mọi chủ thể hầu hết đều có thể trở thành một ngân hàng thực sự với những dịch vụ ngân hàng, dịch vụ tài chính thiết yếu mà trước đến nay chỉ do ngân hàng hoặc ngân hàng đại lý thực hiện. Đó là mô hình kinh doanh dịch vụ ngân hàng mới được gọi là đại lý ngân hàng và rộng hơn lớn hơn, mô hình này đưa đến một viễn cảnh có thực của là Ngân hàng không chi nhánh. Kinh nghiệm quốc tế được nghiên cứu từ Brazil, Kenya, Malyasia... đã chứng minh sự vượt trội và tính hữu ích của mô hình đại lý ngân hàng này.
Hiện nay, vì đang trong giai đoạn hoàn thiện, chưa có những tiêu chuẩn, quy định cụ thể về điều kiện làm đại lý ngân hàng. Nhưng tương tự như các mô hình đại lý ngân hàng trên thế giới, có thể nhận thấy trong mô hình đại lý ngân hàng, các ngân hàng truyền thống sẽ hợp tác với cá nhân hoặc tổ chức đáp ứng được các yêu cầu về tài sản, tài chính và nhân thân để được phép cung cấp những dịch vụ của ngân hàng cho khách hàng ở các vùng xa xôi, hẻo lánh, chưa có ngân hàng, chi nhánh hoặc trụ ATM. Các cá nhân này có thể là một chủ cửa hàng, chủ hiệu thuốc tây, chủ tiệm tạp hóa nông thôn, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp, chủ cơ sở hộ kinh doanh tại nông thôn... có thể là một công ty kinh doanh ổn định. Đồng thời, họ phải đáp ứng các điều kiện cơ bản về tài sản, tiền mặt, trang thiết bị công nghệ, ứng dụng tự động hóa cơ bản, kết nối Internet 24/24...
Khi đáp ứng các điều kiện như trên, cá nhân hoặc tổ chức sẽ được cung cấp các dịch vụ tài chính của ngân hàng và được tự thực hiện những quyền hạn nhất định thay cho ngân hàng. Những giao dịch cơ bản của người dân vùng hạn chế tiếp xúc với dịch vụ ngân hàng thường xoay quanh tiền mặt, như gửi - rút - nhận tiền mặt do người thân gửi về từ trong nước hoặc nước ngoài, thanh toán các hóa đơn chi tiêu gia đình khi không còn nhân viên thu tận nhà hoặc gửi tiết kiệm, vay lãi suất ưu đãi... Và đây là những cơ hội để các đại lý ngân hàng tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ tài chính này.
Báo cáo nghiên cứu của Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) đối với mô hình này chỉ ra rằng, hiện trên thế giới tồn tại hai mô hình đại lý ngân hàng. Thứ nhất, mô hình ngân hàng làm chủ: một tổ chức tài chính được cấp phép hoạt động mà điển hình là ngân hàng cung cấp dịch vụ tài chính thông qua một đại lý. Đồng nghĩa với việc ngân hàng phát triển và cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính nhưng phân phối chúng qua đại lý. Ngân hàng vẫn là đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính, đồng thời là người quản lý, duy trì tài khoản của khách hàng. Thứ hai, mô hình phi ngân hàng làm chủ: tương tự với mô hình ngân hàng làm chủ, chỉ khác biệt ở chỗ tổ chức chủ quản đại lý là một tổ chức vận hành mạng viễn thông/điện thoại di động và thực hiện giao dịch thông qua tài khoản tiền điện tử của khách hàng thay vì tài khoản ngân hàng.
Tại Việt Nam, NHNN cũng đã cho triển khai thí điểm đại lý ngân hàng ở khu vực nông thôn với ba mô hình: MB kết hợp với Viettel; PGBank với Petrolimex và Vietcombank với M_service (chủ sở hữu ví điện tử MoMo)… Trong hai năm thí điểm, chương trình đã đạt một số kết quả tương đối khả quan khi số điểm cung cấp dịch vụ của cả ba mô hình đạt 32.185 điểm – tăng 1,4 lần.
Cuối cùng, kinh nghiệm của các nước cho thấy không nên triển khai hoạt động đại lý cho ngân hàng một cách riêng rẽ mà nên đặt trong một khung giải pháp tổng thể về phát triển khu vực tài chính, phát triển tài chính toàn diện để các nhóm giải pháp có thể cùng hỗ trợ nhau và đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Ánh Trang tổng hợp